Địa lý phong thủy bắt nguồn từ Trung quốc, ngày nay đã trở nên vô cùng phổ biến, ứng dụng ở hầu khắp các lĩnh vực trong cuộc sống. Nhưng ít ai biết tới những người đặt nền móng cho ngành khoa học tâm linh vi diệu, sâu sắc này, họ được xưng tụng là ông tổ ngành phong thủy.
► Xem thêm: Ngũ hành tương sinh và những ảnh hưởng đến cuộc đời, vận mệnh |
Lại Văn Tuấn – đời Tống
Lại Văn Tuấn tự Thái Tố, người huyện Xử Châu, làm quan tại tỉnh Phúc Kiến, sống vào thời Tống (thế kỷ thứ X), nổi tiếng xem về địa lý.
Ông có người bạn tên là La Ngạn Chương, thường cùng nhau xem xét việc huyền cơ. Ngày nọ vợ của La Ngạn Chương mất, họ La đi tìm nơi an táng thì thấy một chỗ dùng làm huyệt mộ rất đẹp, phía trước có khe nước chia làm 3 dòng chảy, riêng đường chảy thứ ba không sâu quá ngực người và cũng không dài lắm, chảy thẳng vào ruộng.
La Ngạn Chương mời Lại Văn Tuấn đến xem qua, ông bèn khen là đất táng rất hợp cách với người quá cố, và nói với họ La rằng: Đất đẹp có thể phát thành trạng nguyên, nhưng tiếc thay nhánh thứ ba lại đoản, nên hậu nhân chỉ làm đến bảng nhãn thôi. Quả không sai, hai mươi năm sau con của La Ngạn Chương chỉ đậu hàng thứ hai trong khoa thi.
Lưu Cơ – đời Minh
Lưu Cơ sống vào những năm 1311-1375, tự Bá Ôn, người Thanh Điền tỉnh Triết Giang. Lưu Cơ đậu tiến sĩ triều Nguyên Thuận Đế. Khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Cơ bàn 18 kế sách nên được họ Chu trọng dụng. Nhà Minh lấy xong chính quyền từ tay nhà Nguyên, bèn mời Lưu Cơ làm quân sư định ra các chính sách lớn trong nước. Khi Chu Nguyên Chương dự định đóng đô ở Kim Long, Lưu Cơ chọn đất ở hồ Trúc Tiền làm nền chính điện, nhưng vua Chu nói nơi này quá nhỏ, nên cho người nới rộng thêm mặt bằng ra sau cho thêm lớn. Lưu Cơ biết việc tính đất “sai một ly đi một dặm”, không phải cứ cuộc đất nào to cũng tốt, nên chỉ nói : “Sau này nhà Minh còn phải dời đô đi nơi khác”. Quả nhiên về sau Minh Thành Tổ phải dời đô đến Bắc Kinh, lời Lưu Cơ quả thật ứng nghiệm.
Trong dân gian có sách “Kham dư mạn hứng” do ông soạn, viết trọn vẹn về xem thiên văn địa lý, nên mọi người coi Lưu Cơ như ông tổ ngành địa lý phong thủy vào đời nhà Minh.
Trần Đoàn – đời Tống
Hi Di Trần được ca tụng nhiều trong ngành lý số qua thuật toán xem Tử Vi, Hà Lạc và còn là nhà nhân tướng học uyên bác, nhà xem tướng địa tài ba. Trần Đoàn sống trong thời nhà Tống, tự Đồ Nam, biệt hiệu Hi Di, người tỉnh An Huy. Nghe nói, Trần Đoàn học được khoa phong thủy với gia sư Tăng Văn Xán (có sách nói ông là môn đệ của Ma Y đạo giả, một đạo nhân hậu duệ của Nam Hoa Tiên Ông), sau khi thành danh ông đã truyền lại cho Ngô Khắc Thành, Tống Chữ Vịnh. Do tinh thông Chu Dịch nên lấy dịch học hòa trộn với môn phong thủy để thành môn xem trạch cát.
Môn học này ông viết thành sách gồm 10 thiên, chỉ dẫn dùng quái, hào, luật, lữ có âm, có dương, có tiêu, có phá và có sinh, có hợp. Nên trong thuật phong thủy, người ta xem Trần Đoàn là bậc thầy trong phái “lý khí” (từ khí suy ra lý).
ST
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Thanh Vân (XemTuong.net)